Trì hoãn là gì?
Có thể bạn cho rằng thật ngớ ngẩn khi phải định nghĩa về một thứ mà ai ai cũng đều biết. Nhưng như cổ nhân đã nói – “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”. Để chiến thắng một “kẻ thù” hùng mạnh như sự trì hoãn thì tốt hơn hết là chúng ta cần hiểu rõ về bản chất của nó.
Vậy sự trì hoãn được định nghĩa ra sao?
Sự trì hoãn, hay còn gọi là procrastination, được định nghĩa là hành động cố tình hoãn lại một việc gì đó cho dù biết rằng điều đó cần phải hoàn thành nếu không sẽ dẫn đến những hậu quả xấu.
Sinh viên trì hoãn việc làm bài luận dù biết rõ mình có thể phải học lại nếu không hoàn thành đúng hạn. Nhân viên văn phòng thường để tới gần cuối thời gian dự án mới bắt đầu làm – và nhiều người gọi đó là “chạy deadline”. Đây là 2 ví dụ phổ biến nhất về tính trì hoãn.
Đặc điểm của sự trì hoãn
Bạn thấy đấy, trì hoãn luôn luôn bao gồm 2 thành phần rõ ràng – một hành động có chủ đích và biết rõ hậu quả!
Tính chất của sự trì hoãn thường có các đặc điểm:
- Tính chủ động: Lựa chọn tạm ngừng thực hiện một hoạt động quan trọng, mặc dù biết rằng việc trì hoãn sẽ gây ra hậu quả tiêu cực.
- Tính mâu thuẫn: Người trì hoãn thường nhận thức được rằng hành động của mình là không hợp lý, nhưng vẫn tiếp tục làm vậy.
- Cảm giác không thoải mái: Hành vi này thường đi kèm với cảm giác lo lắng hoặc bất an khi đối diện với nhiệm vụ cần thực hiện.
Hãy ghi nhớ đặc điểm thứ 3, bởi vì nó là điểm mất chốt giúp bạn biết được rằng – khi nào thì nên trì hoãn!
Đúng vậy, bạn không đọc nhầm đâu, trì hoãn không phải lúc nào cũng xấu cả. Vậy nên chúng ta hãy bước tiếp và cùng xem trì hoãn thì có lợi gì nhé.
Sự tích về cái “tích sự”
Lợi ích của sự trì hoãn
Tất cả chúng ta đều có thể trì hoãn dù biết rõ hậu quả nhưng lại vô cùng mù mờ về lợi ích. Tuy vậy, khoa học tâm lý đã chỉ ra rằng ngay cả một thói quen xấu như vậy cũng không hoàn toàn “vô tích sự”, cụ thể:
- Thời gian suy nghĩ: Sự trì hoãn có thể cho phép cá nhân có thêm thời gian để suy nghĩ, phân tích và đưa ra quyết định tốt hơn. Trong bối cảnh tiến hóa, việc dành thời gian để cân nhắc có thể giúp tránh những quyết định sai lầm, từ đó bảo vệ bản thân khỏi các mối nguy hiểm tiềm tàng.
- Tăng cường sáng tạo: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc trì hoãn có thể kích thích sự sáng tạo. Khi não bộ không bị áp lực phải hoàn thành ngay lập tức, nó có thể phát triển các ý tưởng mới và giải pháp độc đáo.
- Giảm căng thẳng: Đôi khi, việc trì hoãn một nhiệm vụ khó khăn có thể giúp giảm bớt căng thẳng tạm thời. Điều này cho phép cá nhân tập trung vào những công việc dễ dàng hơn trước khi quay lại với nhiệm vụ chính.
Hệ quả của sự trì hoãn
Mặc dù có những lợi ích, nhưng nếu bạn cảm thấy thoải mái hơn với thói quen này thì hãy khoan, dừng lại khoảng 5 giây và xem nó đem đến những hậu quả gì cho cuộc sống của chúng ta nhé:
Tăng áp lực và lo âu
Sự trì hoãn có thể đem lại nhiều hậu quả và rắc rối trong công việc, trong đời sống, trì hoãn dẫn đến căng thẳng, cảm giác tội lỗi, nặng nề và khủng hoảng về tâm lý.
Nhiều người mắc bệnh trì hoãn thường xuyên than phiền về tâm trạng lo lắng đến mất ăn mất ngủ khi hạn hoàn thành công việc đã cận kề, cảm thấy cắn dứt và sự hoảng sợ buộc họ phải tăng tốc để hoàn thành vừa kịp hạn.
Giảm hiệu suất
Sự trì hoãn là nguyên nhân lớn nhất làm giảm thiểu năng suất lao động và chậm tiến độ công việc. Việc chần chừ không chỉ làm giảm mức độ hoàn thành công việc, mà còn ảnh hưởng tới thu nhập cá nhân.
Hậu quả của thói trì hoãn là công việc cấp bách, dồn lại thì lại trở nên quá tải, không thể giải quyết hiệu quả điều này dễ khiến người ta vội vàng, bộp chộp làm việc lụp chụp, qua loa dẫn đến nhiều sai sót hoặc không đáp ứng được chất lượng và kết quả là thất bại ê chề.
Ảnh hưởng tới vị thế xã hội
Việc trì hoãn một cách triền miên này sẽ làm cho chủ thể sẽ gặp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự tin cậy, tin tưởng, giao trách nhiệm do sự kỳ thị, đánh giá của xã hội và thành kiến cho rằng những nhiệm vụ trễ nải này do sự lười biếng, thiếu ý chí và nghị lực, không có quyết tâm, thiếu sự chú tâm, tập trung trong công việc hay là người không có tham vọng thiếu chí tiến thủ.
Thói quen để thất bại
Bạn đã nghe về những thói quen thành công rồi phải không? Vậy còn thói quen thất bại thì sao? Trì hoãn chính là 1 thói quen như thế đó – và nó là lý do khiến ngay cả những người thông minh nhất cũng thất bại.
Chần chừ sẽ làm chúng ta mất đi cơ hội, làm mất đi những quyết định nhanh chóng. Nó khiến ý chí, quyết tâm, nhiệt huyết của chúng ta suy giảm theo thời gian. Và dần dần, chúng ta sẽ chẳng còn hứng thú để làm bất kỳ việc gì nữa.
Tại sao tất cả mọi người đều có xu hướng trì hoãn?
Trì hoãn nhìn từ tâm lý học hành vi
Chuyên gia tâm lý học Joseph Ferrari nói rằng: “Tất cả mọi người đều có thể trì hoãn, nhưng không phải ai cũng làm thế.”
Tại sao ông ấy lại nói vậy?
Vâng, hiển nhiên là vì tất cả chúng ta đều muốn sống một cuộc sống dễ dàng mà. Vậy nên khi đối mặt với một nhiệm vụ khó, tất cả chúng ta cũng đều sẽ có xu hướng lảng tránh nó.
Tuy nhiên, tâm lý học hành vi đã chỉ ra rằng có một số người có khả năng trì hoãn nhiều hơn. Điều này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân tâm lý, bao gồm:
Sợ thất bại
Nỗi sợ không hoàn thành tốt công việc cũng có thể khiến người ta tránh né nhiệm vụ. Tâm trạng lo âu khiến họ thường tự đánh lạc hướng bản thân bằng các thú vui tạm thời, hoặc bởi một việc nào đó dễ dàng hơn nhưng không liên quan gì tới nhiệm vụ chính. Điều này đặc biệt dễ gặp ở những người làm việc theo cảm xúc.
Tâm lý chủ quan
Nhiều người nghĩ công việc không phứ tạp lắm và không dành nhiều thời gian hoặc quan tâm làm sớm. Khi bắt tay vào làm việc thì họ mới nhận ra cần phải nỗ lực nhiều hơn họ tưởng.
Một nguyên nhân chủ quan khác là thời hạn công việc quá dài, và bạn biết đấy, suy nghĩ “ôi còn nhiều thời gian mà” thế nào cũng xuất hiện cho mà xem.
Thói quen làm việc
Bạn có thể bất ngờ khi những người theo chủ nghĩa hoàn hảo lại thường là người trì hoãn nhiều nhất. Lý do là họ sẽ đợi, đợi cho “Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa”, đợi khi có hứng, đợi lúc mình vui.
Và nếu “chẳng may” họ bắt tay vào làm, nhưng xui sao cái bước đầu họ làm không được “như ý” thì họ cũng bỏ ngay ở đó không làm nữa (kiểu như có lỡ mà bước chân trái ra trước thì thôi, quay vô luôn chứ đi tiếp chi vậy đó).
Tư duy ngắn hạn
Sự trì hoãn xảy ra khi người ta không hình dung ra được sự khác nhau giữa việc cấp bách và việc quan trọng do đó thiếu sự ưu tiên, đầu tư, dành thời gian thích hợp để xử lý thỏa đáng dẫn đến không công việc nào hoàn thành đúng tiến độ hoặc hoàn thành một cách trọn vẹn, còn dở dang.
Những công việc cấp bách, xảy đến đột ngột đa phần là những công việc không quan trọng vì nó không nằm trong kế hoạch công việc, khi bắt tay vào giải quyết các công việc cấp bách thì thường chúng sẽ làm tốn nhiều thời gian do chưa có sự chuẩn bị để giải quyết những công việc này.
Trong khi đó công việc quan trọng đang làm ít nhiều bị trì hoãn và điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả cũng như thời gian hoàn thành công việc.
Một biểu hiện khác của tư duy ngắn hạn là thói quen hưởng thụ. Những người này dễ dàng bị thu hút bởi những niềm vui ngắn hạn (lướt MXH, hóng drama, chơi game…) mà không nhận ra những thú vui đó tiêu tốn quá nhiều thời gian của họ. Khi thói quen thụ hưởng cộng gộp với tâm lý bất an (do họ liên tục trì hoãn), càng khiến họ trì hoãn lâu hơn nữa.
Rối loạn chức năng tinh thần
Sự trì hoãn cũng có thể là biểu hiện của các vấn đề tâm lý như trầm cảm, ADHD (hội chứng tăng động giảm chú ý). Những hội chứng này có thể làm tăng cường sự trì hoãn, khiến cá nhân gặp khó khăn trong việc hoàn thành công việc.
Khía cạnh thần kinh học
Ở góc độ sinh lý, có quan điểm cho rằng sự trì hoãn liên quan đến cấu trúc não bộ:
- Hệ thống não bộ: Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng sự trì hoãn liên quan đến các hệ thống trong thùy trước trán của não bộ, nơi điều khiển các hành vi như lập kế hoạch và tự kiểm soát. Laura Rabin từ Đại học Brooklyn nhấn mạnh rằng khả năng tự kiểm soát kém có thể dẫn đến hành vi trì hoãn thường thấy ở sinh viên.
- Cảm giác khó chịu: Bộ não thường né tránh những cảm giác khó chịu liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ không mong muốn. Điều này dẫn đến việc cá nhân chọn làm những việc dễ chịu hơn thay vì những nhiệm vụ cần thiết nhưng khó khăn.
Làm thế nào để bạn (và tôi) không còn trì hoãn nữa?
Tôi xin phép được lặp lại câu nói của nhà tâm lý học Joseph Ferrari – “Tất cả mọi người đều có thể trì hoãn, nhưng không phải ai cũng làm thế.”
Đối với tôi câu nói này rất quan trọng. Vì nó chỉ ra rằng tôi có toàn quyền lựa chọn không trì hoãn – dù cho bộ não của tôi muốn thế, dù cho tâm trạng của tôi lúc này không được tốt lắm, hay do sáng nay tôi bước chân trái ra trước – thì tôi, vẫn hoàn toàn làm chủ hành động của mình.
Và điều đầu tiên để tôi ngưng trì hoãn là tôi phải biết mình đang trì hoãn!
Bạn còn nhớ đặc điểm thứ 3 của sự trì hoãn không, đúng rồi, là cảm giác khó chịu.
Nếu bạn cảm thấy lo lắng, bất an trong lòng thì hãy tạm dừng việc đang làm và nghĩ xem liệu mình có đang bỏ qua một nhiệm vụ quan trọng nào đó không.
Một khi bạn đã nhận ra mình đang trì hoãn, thì đây là một vài bước mà bạn có thể làm để vượt qua nó:
1. Chủ động trì hoãn
Khoan đã nào, tại sao trì hoãn lại là cách để không trì hoãn nhỉ?
Nhưng đây cũng chính xác là điều tôi đã làm để vượt qua thói quen trì hoãn của mình đó, nếu bạn cũng thấy thú vị thì hãy cứ đọc tiếp xem sao nhé.
Đối với tôi, giai đoạn khó khăn nhất khi làm một nhiệm vụ là thời điểm bắt đầu. Khi bắt đầu, tôi thường không biết chắc mình sẽ làm gì, làm như thế nào, công việc có khó không, có vượt quá khả năng của mình không… Và tôi cũng giống như bạn thôi, đôi khi tôi sẽ chờ một ý tưởng hoàn hảo để bắt đầu, kết cục thì bạn cũng biết rồi đó.
Tuy nhiên tôi nhận ra cách đó không hiệu quả (ý tưởng thì cũng có nhưng nó chẳng bao giờ đủ hoàn hảo như tôi muốn cả), nên tôi sẽ dành thời gian để suy nghĩ về nhiệm vụ. Tôi cũng có thể lên mạng và tham khảo xem mọi người đang làm những nhiệm vụ tương tự như thế nào.
Và bùm, ý tưởng xuất hiện. Có thể nó vẫn chẳng hoàn hảo, nhưng mà có còn hơn không (và tin tôi đi, thường là nó khá độc đáo đấy). Nếu tinh ý, bạn có thể nhận thấy một ý tưởng mới cũng sẽ mang lại cho bạn một chút cảm hứng làm việc nữa đó.
2. Hãy cứ làm đi – Just do it!
Vậy là bây giờ trong đầu bạn đã có một (hoặc 1 vài) ý tưởng rồi, nhưng chúng ta sẽ triển khai nó như thế nào nhỉ?
Đôi khi tôi cần phải viết mà đầu óc tôi vô cùng rối rắm, khi đó tôi sẽ viết nguệch ngoạc vài câu, đôi khi chỉ là một câu tiêu đề mà thôi.
Tại sao điều này quan trọng?
Bộ não của chúng ta là một cơ quan cực kỳ phức tạp nhưng cũng hoạt động cực kỳ hiệu quả. Những gì tôi làm chỉ đơn giản là gieo vào đầu một ý tưởng, bộ não của tôi sẽ bám vào thông tin đó và huy động hàng tỷ neuron thần kinh giúp truy xuất ra những thông tin liên quan.
Quá trình này có thể diễn ra trong vài giờ hoặc vài ngày tùy vào độ khó của nhiệm vụ, nhưng tin tôi đi, bạn sẽ vô cùng bất ngờ với những gì nảy ra trong đầu mình đấy.
Quan trọng hơn nữa, những việc mà bạn đã bắt tay vào làm rồi thì rất có khả năng bạn sẽ hoàn thành nó, khá chắc chắn đấy!
Theo dõi trang Fanpage của chúng tôi để biết thêm thông tin về cách bạn có thể đạt được giấc ngủ ngon mỗi đêm, đồng thời bạn cũng có thể tham gia trò chuyện và nhận tư vấn miễn phí từ đội ngũ dược sĩ của A&C Pharma.
Nguồn Tổng hợp