Căng thẳng tài chính là gì?

căng thẳng tài chính

Tiền bạc là nguồn gây căng thẳng phổ biến cho người Mỹ trưởng thành. Trên thực tế, theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA), 72% người trưởng thành cho biết họ cảm thấy căng thẳng về tiền bạc, cho dù đó là lo lắng về việc trả tiền thuê nhà hay cảm thấy sa lầy vì nợ nần. Điều này khá quan trọng vì căng thẳng tài chính có liên quan đến rất nhiều vấn đề sức khỏe.

Hiểu về căng thẳng tài chính

Căng thẳng tài chính là căng thẳng cảm xúc có liên quan cụ thể đến tiền bạc. Bất cứ ai cũng có thể gặp căng thẳng về tài chính, nhưng căng thẳng tài chính có thể xảy ra thường xuyên hơn ở các hộ gia đình có thu nhập thấp. Cảm giác này có thể xuất phát từ việc không kiếm đủ tiền để đáp ứng các nhu cầu tối thiểu của bạn và gia đình, hoặc cũng có thể đến từ một biến cố nào đó (ví dụ người thân bị bệnh nặng và cần tiền để chạy chữa).

Những người có thu nhập thấp hơn có thể gặp thêm căng thẳng do công việc của họ. Công việc của họ có thể thiếu linh hoạt khi cần có thời gian nghỉ ngơi. Họ có thể làm việc trong môi trường không an toàn, nhưng họ sợ rời đi vì họ sẽ không thể đảm bảo được cuộc sống của mình trong khi tìm kiếm một công việc khác.

Hầu hết mọi người thỉnh thoảng căng thẳng về tiền bạc. Nhưng căng thẳng tài chính có thể trở thành vấn đề nếu nó làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày của bạn. Ví dụ, bạn có thể thấy mình không thể tập trung hoặc tận hưởng những điều khác trong cuộc sống vì thường xuyên phải lo lắng về chuyện tiền nong.

Tác động đến sức khỏe của bạn

Mặc dù mọi căng thẳng đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn, nhưng căng thẳng liên quan đến vấn đề tài chính có thể đặc biệt nguy hiểm. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến:

  • Chăm sóc sức khỏe bị trì hoãn: Với ít tiền hơn trong ngân sách, những người vốn đã căng thẳng về tài chính có xu hướng cắt giảm những lĩnh vực mà họ không nên làm, như chăm sóc sức khỏe. Theo cuộc thăm dò về Sức khỏe và Chăm sóc sức khỏe hàng năm của Gallup, 29% người Mỹ trưởng thành đã trì hoãn việc tìm kiếm dịch vụ chăm sóc y tế vào năm 2018 vì chi phí. Mặc dù cách này có vẻ như là một cách tốt để giảm chi phí, nhưng việc trì hoãn chăm sóc y tế thực sự có thể dẫn đến tình trạng sức khỏe tồi tệ hơn và chi phí cao hơn, cả hai đều có thể dẫn đến căng thẳng hơn.
  • Sức khỏe tâm thần kém: Trong nhiều trường hợp, mối liên hệ giữa sức khỏe tâm thần và tài chính có tính chu kỳ – sức khỏe tài chính kém có thể dẫn đến sức khỏe tâm thần kém, dẫn đến sức khỏe tài chính ngày càng kém, v.v. Trong nhiều năm, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người mắc nợ có tỷ lệ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm và lo âu cao hơn những người không mắc nợ.
  • Sức khỏe thể chất kém: Căng thẳng liên tục về tiền bạc có liên quan đến đau đầu, đau dạ dày, đau nửa đầu, bệnh tim, tiểu đường, khó ngủ, v.v. Khi chúng ta thường xuyên căng thẳng, cơ thể chúng ta không có thời gian để phục hồi. Hệ thống miễn dịch của chúng ta dễ bị bệnh tật, bao gồm cảm lạnh và vi rút. Nếu bạn đã mắc một bệnh mãn tính, bạn có thể bị các triệu chứng bùng phát.
  • Hành vi đối phó không lành mạnh: Căng thẳng về tài chính có thể khiến bạn thực hiện nhiều hành vi không lành mạnh, từ ăn quá nhiều đến sử dụng rượu và ma túy. Theo một cuộc khảo sát của APA công bố năm 2014, 33% người Mỹ cho biết họ ăn thực phẩm không lành mạnh hoặc ăn quá nhiều để đối phó với căng thẳng.

Cách để đối phó với căng thẳng tài chính

Học cách đối phó với căng thẳng tài chính và quản lý hiệu quả tình hình tài chính của bạn có thể giúp bạn cảm thấy kiểm soát được cuộc sống của mình nhiều hơn, giảm căng thẳng và xây dựng một tương lai an toàn hơn. Hãy thử một số mẹo sau để bắt đầu:

  • Tạo thêm nguồn thu nhập: Nếu bạn đang cảm thấy bản thân đang nghĩ quá nhiều về tiền, có thể bạn đã cảm thấy mình cần có thêm một nguồn thu mới. Có nhiều cách để tạo ra thu nhập thứ hai, ví dụ như kinh doanh thêm ngoài giờ làm việc, hoặc đầu tư vào thị trường tài chính…
  • Ghi chép tình hình tài chính cá nhân: Vì cuộc sống hiếm khi bất biến nên việc kiểm tra ngân sách thường xuyên là điều cần thiết để cải thiện sức khỏe tài chính của bạn. Việc ghi chép này có thể giúp bạn nhận ra mình đang phung phí quá nhiều tiền cho những thứ tốn kém và có hại như trà sữa hay các buổi nhậu. Và rất có thể lần tới, khi nghĩ tới order một ly trà sữa bạn sẽ muốn chọn size nhỏ hơn hoặc thậm chí là bỏ qua nó.
  • Quản lý căng thẳng nói chung: Khi nỗ lực cải thiện tình hình tài chính của mình, bạn có thể giảm căng thẳng bằng cách thực hành các kỹ thuật giảm căng thẳng và thực hiện các thay đổi khác để tạo ra lối sống ít căng thẳng. Ăn một chế độ ăn uống bổ dưỡng, ngủ đủ giấc mỗi đêm và thực hiện một số hình thức tập thể dục có liên quan đến việc giảm mức độ căng thẳng. Bạn cũng có thể thử các kỹ thuật chánh niệm như thở sâu và yoga để giảm bớt mọi lo lắng.
  • Hiểu chu kỳ nợ: Hiểu được nợ nần là bước đầu tiên để bạn thoát khỏi nó. Một nghiên cứu cho thấy bạn có thể trả hết nợ nhanh hơn bằng cách trả từng tài khoản một và bắt đầu với những khoản nợ thấp nhất trước. Hãy nghiên cứu và chú ý đến lãi suất. Trước tiên, bạn nên trả hết khoản nợ có lãi suất lớn nhất để tránh phải trả chi phí cao hơn theo thời gian.
  • Nâng cao nền tảng kiến thức tài chính: Việc có một nền tảng kiến thức tương đối về tiền sẽ giúp ích bạn nhiều hơn những gì bạn nghĩ. Và những kiến thức đó hết sức thú vị và dễ hiểu. Có một nền tảng kiến thức tốt có thể giúp bạn tăng khả năng tạo ra thu nhập thụ động, đồng thời giảm thiểu nguy cơ bị mất tiền.

Vượt qua căng thẳng tài chính

Có thể không thể giải quyết được vấn đề tài chính của bạn chỉ sau một đêm, nhưng bạn có thể bắt đầu lập kế hoạch để thành công ngay lập tức. Hãy nhớ rằng, căng thẳng mà bạn gặp phải không chỉ do tình hình tài chính của bạn – bạn có thể giảm bớt phần nào lo lắng bằng cách chăm sóc bản thân.

Kiểm soát tài chính của bạn

Lập danh sách những khó khăn tài chính mà bạn quan tâm nhất. Hãy thực hiện từng bước nhỏ để giải quyết từng vấn đề một để bạn không bị choáng ngợp.

Viết ra những gì bạn có thể bắt đầu làm hôm nay hoặc tuần này để có thể giúp bạn đi đúng hướng đến sự ổn định tài chính. Hãy thử lập kế hoạch ngân sách, chỉ chi tiêu cho những thứ cần thiết trong một tuần hoặc một tháng.

Bạn có thể tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp để giúp bạn về tài chính. Ví dụ: bạn có thể nghiên cứu các chương trình xóa nợ cho sinh viên và các chương trình trả nợ dựa trên thu nhập để có thể tạo ra các khoản thanh toán dễ quản lý hơn cho khoản nợ của bạn.

Nếu bạn không thể thanh toán hóa đơn, hãy thử gọi cho ngân hàng, công ty tiện ích hoặc công ty phát hành thẻ tín dụng để giải thích tình huống của bạn – thông thường, họ có thể thiết lập gói thanh toán phù hợp với bạn.

Hãy liên hệ để được hỗ trợ

Một khi hiểu răng bản thân có vấn đề về tài chính, bạn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia hay cố vấn tài chính. Họ sẽ giúp bạn tạo một kế hoạch tốt nhất để thoát nghèo và hướng tới một cuộc sống dư dả hơn về tiền bạc.

Bạn cũng có thể thử tham gia nhóm hỗ trợ dành cho những người đang gặp khó khăn về tài chính. Hãy nhớ rằng, bạn không đơn độc. Bạn có thể phát triển một hệ thống bạn bè và gia đình đáng tin cậy để giúp bạn luôn lạc quan về tài chính của mình.

Tự chăm sóc bản thân

Duy trì lối sống lành mạnh là điều quan trọng để giúp bạn kiểm soát căng thẳng. Cố gắng tập thể dục 30 phút mỗi ngày – vận động cơ thể theo bất kỳ cách nào mà bạn cảm thấy thoải mái. Điều này cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn. Đi bộ là một cách tuyệt vời để vừa rèn luyện sức khỏe vừa giảm căng thẳng.

Dành thời gian để thư giãn. Mặc dù căng thẳng tài chính có thể khiến bạn choáng ngợp nhưng hãy nhớ rằng luôn có những nguồn lực giúp bạn quản lý căng thẳng và tài chính của mình. Dành thời gian để thư giãn, thiền định, tận hưởng một hoạt động vui vẻ và kết nối với những người khác.

> Theo dõi trang Fanpage của chúng tôi để biết thêm thông tin về cách bạn có thể đạt được giấc ngủ ngon mỗi đêm, đồng thời bạn cũng có thể tham gia trò chuyện và nhận tư vấn miễn phí từ đội ngũ dược sĩ của A&C Pharma.

Theo Verywellmind

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Giới hạn kích thước file ảnh: 1 MB. Drop files here